SỨC MẠNH CỦA LÒNG YÊU NƯỚC VÀ VAI TRÒ GIÁO DỤC LỊCH SỬ

Lượt xem:

Đọc bài viết

SỨC MẠNH CỦA LÒNG YÊU NƯỚC VÀ VAI TRÒ GIÁO DỤC LỊCH SỬ

Một đêm cuối thu, mất điện, may thay lại có trăng. Trăng đêm nay sáng thật. Đã lâu lắm rồi kể từ ngày được sống trong văn minh bóng điện, mình mới lại cảm nhận được ánh trăng sáng và vẻ đẹp lãng mạn của một đêm trăng. Nổi hứng mình mang cây sáo ra ngoài hiên nghêu ngao. Cũng chẳng hiểu sao đặt cây sáo lên môi mình tấu ngay lên câu: “Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu”. Nhưng mình chợt khựng lại không thổi nữa. Cái câu “Nghe dịu nỗi đau của mẹ, Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ…” ấy. Rồi mình nghĩ: nhưng có lẽ cụ Tạ Hữu Yên chưa biết đến mẹ Thứ ở Quảng Nam, người mẹ 13 lần tiễn chồng, con, cháu ra đi và 13 lần nhận về khăn tang trắng. Thê lương tang tóc, uất hận cao vời. Mười ba lần người thân mẹ ngã xuống là mười ba lần trái tim mẹ vỡ tan, vì “Giặc Mỹ nó nhằm con. Mà bắn vào tim mẹ”. Mình lại đặt ra câu hỏi: vì sao những người mẹ ấy lại có thể chịu đựng được những đau thương tột độ như vậy? vì sao mẹ lại có thể nén đau thương cống hiến tất cả cho quê hương, đất nước như vậy? Tôi loáng thoáng nghe ai đó trả lời rằng: đó là trách nhiệm công dân.
Tôi lại nhớ về một câu chuyện khác. Một lần công tác ở trường nọ, tôi có dịp dự giờ một thầy giáo trẻ. Hôm ấy thầy dạy bài “Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp”. Khi nói về việc sau khi hoàn thành đánh kìm chân Pháp ở Hà Nội, ta đã bí mật rút khỏi thủ đô lên chiến khu Việt Bắc. Trong đoàn người gấp gáp, lặng lẽ rời thủ đô trong một đêm mùa đông giá lạnh có cả những người mẹ bế theo những em bé sơ sinh. Khi qua phà sông Hồng bất chợt có em bé bật khóc, người mẹ đã làm mọi cách để dỗ em nhưng không được. Nguy cơ lộ bí mật rất lớn, ảnh hưởng đến đoàn quân, người mẹ ấy đã…dìm em bé xuống sông…Ai đã có con cái thì ắt hẳn đều biết một điều rằng đó chính là tài sản vô cùng quý giá, không thể đánh đổi của mình…Khuất sau những lũy tre úa vàng, những mái nhà tranh cháy xém, khi nhận giấy báo tử của chồng, con, các mẹ có thể khóc, thoải mái khóc, nước mắt tuôn trào có thể sẽ làm vơi đi những xót đau uất hận… Nhưng bên bến sông Hồng trong cái đêm giá lạnh ấy, người mẹ trẻ kia không thể khóc. Mẹ uất hận giặc ngoại xâm hay hận cả bản thân mình? Mẹ cũng khóc nhưng nước mắt chảy vào trong nên nỗi đau thương của mẹ càng nhân thêm gấp bội…Mỗi lần nhớ lại câu chuyện này mình lại thấy cay sống mũi…
Có ai trả lời tôi đó là trách nhiệm công dân không?
Có thể đó vẫn được lí giải bằng trách nhiệm công dân. Tuy nhiên trách nhiệm công dân là một phạm trù có tính pháp lí, bắt buộc người ta thực hiện một nghĩa vụ gì đó đối với cộng đồng, đất nước. Nhưng nếu vì trách nhiệm thì người ta cũng có thể làm theo nhiều cách, theo Pháp, theo Mỹ để xây dựng một xã hội khác chẳng hạn. Không ít người đã làm thế vì theo họ họ có trách nhiệm công dân với cái lí tưởng ấy. Với người Việt nam có một cái tình cảm trách nhiệm còn cao hơn trách nhiệm pháp lí, cái mà mỗi khi cộng đồng, Tổ quốc cần đến thì người ta sẽ TỰ NGUYỆN dâng hiến, không đắn đo, đó chính là LÒNG YÊU NƯỚC.
Người Việt Nam mình là thế đấy. Cái khác biệt làm nên bản sắc của người Việt Nam chúng ta chính là lòng yêu nước. Đấy là phẩm chất cao quý nhất của người Việt. Là giá trị đầu tiên trong thang giá trị nhân cách người Việt. Chẳng thế mà trong Năm điều dạy thiếu nhi, thì lời dạy đầu tiên của lãnh tụ Hồ Chí Minh là: “Yêu Tổ quốc yêu đồng bào”. Và Người cũng có một bài viết nổi tiếng, khái quát đầy đủ sức mạnh của lòng yêu nước, vai trò của nó đối với sự trường tồn của dân tộc Việt Nam, đó là bài “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” mà tôi dám chắc đây là bài văn xuôi duy nhất trong đời học trò mà giáo viên yêu cầu bạn và tôi phải học thuộc lòng. Lòng yêu nước đã có trong máu của người Việt từ thuở mới thành người. Dòng máu ấy đã cuộn chảy trong mỗi người dân đất Việt qua hàng ngàn năm. Lòng yêu nước ấy như một sức mạnh siêu nhiên, đảm bảo vững chắc độc lập, chủ quyền của Tổ quốc. Lòng yêu nước ấy như sợi dây dài vô tận và hết sức bền chặt, đưa cánh diều Tổ quốc bay cao, bay xa, ngạo nghễ sánh vai với năm châu bằng hữu.
Những người học sử từng biết, Trung Hoa xưa khi mới thành hình chỉ là một vùng đất nhỏ ở lưu vực sông Hoàng Hà, Trường Giang (mà Trung Quốc gọi là vùng Trung Nguyên). Xung quanh họ là hàng chục quốc gia khác. Với tư tưởng Đại Hán và bản tính tham lam, người Hán đã từng bước, từng bước xâm lược các nước ấy, dần dần mở rộng bờ cõi Trung Hoa lên đến hàng triệu cây số vuông…Một số quốc gia trong một số thời điểm nhất định đã vượt lên, xâm chiếm Trung Hoa, nhưng cuối cùng lại bị xâm lược ngược trở lại và bị hoà tan lãnh thổ gốc của mình vào Trung Hoa, trở thành quận, huyện của Trung Hoa (Mãn Thanh…). Thời gian trôi qua, dưới sức mạnh Hán hóa, người dân của những quốc gia ấy đã hoàn toàn bị tan chảy vào lịch sử, văn hóa Trung Hoa. Họ không còn mảy may, không hề còn một chút ấn tượng về cố quốc, không biết rằng mình cũng từng là chủ nhân của một quốc gia từng đứng ngang hàng với Trung Quốc.
Nhưng, dân tộc tôi thì không thế. Năm 179 trước CN, chẳng may “Trái tim nhầm chỗ để trên đầu”, cơ đồ nước Việt theo An Dương Vương “dấn biển sâu”, dân tôi rơi vào ách nô lệ lầm than của các vương triều Phong kiến Trung Quốc. Để hòa tan Việt Nam, người Hán cũng đã áp dụng tất cả các chiêu bài Hán hóa như đã từng thực hiện thành công với tất cả các dân tộc mà mình xâm chiếm. Nhưng những bài vở ấy mang sang Việt Nam không phát huy hiệu quả. Trong một ngàn năm ấy, nhân dân tôi vẫn không bị lấy đi bất cứ một giá trị Việt nào, đặc biệt là lòng yêu nước. Sau những lũy tre làng, văn hóa Việt vẫn được bảo tồn và phát triển; những giá trị tạo nên sức mạnh Việt vẫn được truyền lưu cho con cháu. Người Việt tôi luôn thấu hiểu một điều: Một người bị giết, một dòng họ bị tiêu diệt là rất đau đớn. Nhưng đó chỉ là nỗi đau của một gia đình, một dòng họ. Nhưng mất nước là nỗi đau chung của trăm họ, là nỗi nhục chung của toàn thể đồng bào. Do đó trong đau thương, mất mát người Việt lại càng đoàn kết, gắn bó hơn, lòng yêu nước lại càng được hun đúc mạnh mẽ hơn.
Trong hơn một ngàn năm đó, cha, ông tôi đã liên tục nổi dậy đấu tranh chống quân đô hộ. Dù hầu hết các cuộc đấu tranh ấy cứ nối tiếp nhau bị dìm trong biển máu. Nhưng máu xương của cha, ông không uổng phí mà tiếp tục làm dày hơn bài học yêu nước, thương nòi, yêu độc lập, tự do và ý chí chống ngoại xâm kiên cường. Để rồi năm 938, Ngô Quyền đã lãnh đạo nhân dân ta, nhấn chìm toàn bộ quân xâm lược bạo tàn xuống đáy sông Bạch Đằng, chấm dứt vĩnh viễn thời kì Bắc thuộc đau thương, đưa nước tôi vào kỉ nguyên độc lập tự chủ, đứng ngang hàng với quý quốc lân bang, kể cả Trung Quốc.
Một ngàn năm là bao nhiêu thế hệ người? Vậy mà cha, ông tôi không hề bị Hán hóa, không hề bị tẩy não; chúng tôi vẫn tự hào khẳng định “Bốn ngàn năm ta lại là ta”. Thử hỏi có dân tộc nào làm được điều đó không?
Một ngàn năm tiếp sau, với bản tính ngoan cố, Trung Quốc còn nhiều lần mang quân sang xâm lược nước tôi. Tuy nhiên tất cả các đoàn quân ấy đều bị cha, ông tôi “đánh tơi bời”…
Gần hai ngàn năm “va chạm” với Trung Hoa, lòng yêu nước của người Việt Nam liên tục được thử thách. Nhưng cứ qua mỗi thử thách nó lại thêm vững bền và chứng minh được sức mạnh vô địch của mình. Trong thế kỉ XIX-XX, dân tộc tôi lại tiếp tục phải đối mặt với nhiều kẻ thù xâm lược hùng mạnh hơn (Pháp, Nhật, Mỹ). Nhưng với !òng yêu nước sâu sắc “Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước. Nhất định không chịu làm nô lê!”, cha, ông tôi đã từng bước đánh bại kẻ thù, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất đất nước…
Những chiến công hiển hách, những gương anh hùng dân tộc quên mình vì nước dần dần đi vào Lịch sử, trở thành bài học yêu nước, giữ nước sinh động và bổ ích. Cha ông tôi đã truyền dạy những bài học Lịch sử ấy cho con cháu đời đời kiếp kiếp. Chúng tôi lớn lên qua những trang sách giáo khoa Lịch sử, chúng tôi hiểu rằng kẻ thù xâm lược bao giờ cũng bạo tàn và hùng mạnh hơn chúng ta nhưng chúng không thể khuất phục được dân tộc này. Vì dân tộc này “có một lòng nồng nàn yêu nước” mà “mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
Tôi và chúng ta sẽ dễ dàng hình dung ra hình ảnh của Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo đã trăn đi trở lại thế nào trước bài học Bạch Đằng của Ngô Quyền, để tiếp tục nhấn chìm hàng trăm thuyền địch, bêu đầu hàng ngàn đầu giặc trên cọc gỗ huyền thoại.
Tôi và chúng ta sẽ dễ dàng hình dung ra người đại tướng của nhân dân, vị tổng tư lệnh thiên tài của quân đội ta. Dưới sự chỉ huy của Người, quân đội ta đã trở thành một đội quân bách chiến, bách thắng, đã làm cho “Pháp hàng, Mỹ cút, Ngụy nhào”. Một trong những nhân tố làm nên huyền thoại Võ Nguyên Giáp đó chính là Người vốn là một giáo viên Lịch sử. Đồng thời những bài học học lịch sử ấy còn giúp cho Người xác định đúng đắn cách sống và làm việc sau khi đã trút bỏ gươm đao.
Tôi và chúng ta dễ dàng hình dung ra hình ảnh nữ tướng Nguyễn Thị Định đã đau đáu thế nào trước bài học giặc đến nhà, người phụ nữ cũng sẵn sàng “đạp cơn sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông”.
Tôi và các bạn cũng dễ dàng hình dung ra Lý Tự Trọng, Kim Đồng, Vừ A Dính…đã thuộc làu câu chuyện Bóp nát quả cam ngày nào, để noi theo gương Trần Quốc Toản, hiến trọn tuổi thành niên cho Tổ quốc.
Ngày nay, chúng ta đang đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Chúng ta nên biết rằng một trong những bài học trọng yếu nhất của Người đó là “Ôn cố nhi tri tân”. Có thể nói Hồ Chí Minh là người rất hiểu biết lịch sử, cả dân tộc và thế giới. Chính việc hiểu biết về lịch sử mà Người đã có những quyết định đúng đắn trên con đường cứu nước và lãnh đạo sự nghiệp Cách mạng (CM) Việt Nam của mình.
Xin đơn cử một số minh chứng sau. Khi tìm đường cứu nước tại sao Người quyết định sang phương Tây chứ không phải là phương Đông, là Trung Quốc, Nhật Bản? Tại sao Người không chủ trương cứu nước như các bậc tiền bối?… Bên cạnh việc học tập được tinh thần yêu nước, dám xả thân của các tiền bối, Người đã thấy được những hạn chế của các cụ. Phan Bội Châu muốn nhờ Nhật đánh Pháp thì chẳng khác gì “Đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Cụ Phan Châu Trinh muốn nhờ chính Pháp để cải cách, tự cường dân tộc thì chẳng khác gì “xin giặc rủ lòng thương”. Cụ Hoàng Hoa Thám thì còn “nặng cốt cách Phong kiến”… Người biết rõ rằng kẻ thù lần này của dân tộc ta là một đế quốc TBCN mới lạ, mang sức mạnh của một nền văn minh mới…Do đó, sức mạnh văn minh phương Đông sẽ không thể khuất phục được họ. Để thắng họ phải dùng chính sức mạnh của văn minh Tư Bản phương Tây…
Và, có nghiên cứu sâu sắc lịch sử các cuộc Cách mạng trên thế giới, Người mới nhận thức được CM tháng mười Nga mới là cuộc CM triệt để nhất. Do đó Người đã quyết định tin theo và học tập CM tháng Mười.
Khi viết Cương lĩnh cho CM Việt Nam, do được nghiên cứu kĩ lịch sử mà Người có thể xác định đúng đắn nhiệm vụ lớn nhất của CM Việt Nam đó là giải phóng dân tộc (chứ không phải giải phóng giai cấp). Người đã thấy được thái độ, khả năng CM của các lực lượng xã hội để có chính sách thu hút đông đảo nhất lực lượng cho CM GPDT…(điều mà nhiều người cùng thời nhận thức chưa được)…Người thấu hiểu rằng: “Năm ngón tay có ngón ngắn, ngón dài nhưng dù thế nào cũng có chung gốc bàn tay. Trong hai mươi lăm triệu đồng bào ta có người thế này, người thế kia nhưng tất cả đều là người Việt Nam”. Xã hội Việt Nam dù có bị phân hóa thế nào đi nữa nhưng tất cả người Việt Nam đều có một nỗi đau chung đó là nỗi đau của những người dân mất nước. Đều có một nỗi nhục chung, đó là nỗi nhục của người dân nô lệ. Người Việt Nam dù thế nào vẫn có những điểm chung để xích lại gần nhau, tạo nên khối thống nhất mà điểm chung nhất đó chính là lòng yêu nước…
Lịch sử hơn 80 năm qua đã chứng minh khi nào CM nước ta đi đúng đường lối của Người thì sẽ thành công còn khi nào đi lệch thì sẽ gặp khó khăn, thậm chí thất bại…
LÒNG YÊU NƯỚC là sợi chỉ hồng xe kết mọi người Việt Nam. LÒNG YÊU NƯỚC là mẫu số chung của mỗi con dân đất Việt. LÒNG YÊU NƯỚC tạo nên sức mạnh và sự khác biệt của người Việt Nam so với phần còn lại của thế giới. LÒNG YÊU NƯỚC ấy nhất thiết phải là bài học xuyên suốt của chúng ta. LÒNG YÊU NƯỚC còn thì dân tộc Việt Nam còn, LÒNG YÊU NƯỚC mất thì đất nước này sẽ mất. Để giữ gìn, phát huy và lưu truyền vĩnh cửu giá trị này nhất thiết phải coi trọng việc giáo dục Lịch sử. Đó là những chân lí không thể chối cãi. Do vậy giáo dục và học Lịch sử không được phép xem nhẹ. Nếu xem nhẹ Lịch sử thì đồng nghĩa với việc ngăn cản giáo dục những giá trị tuyền thống tốt đẹp của cha, ông nhất là truyền thống yêu nước, phá hoại sức mạnh của dân tộc, chà đạp lên lòng tự tôn, tự hào dân tộc…

Hoàng Sỹ Long